Top 5 phần mềm quản lý bán hàng đa kênh giá tốt nhất tại Việt Nam 2023
Kể từ sau đại dịch, các mô hình kinh doanh offline quay trở lại phát triển mạnh mẽ, song hành cùng với sự phát triển của bán hàng online. Điều này dẫn tới một lượng lớn nhu cầu dành cho các phần mềm quản lý bán hàng, đặc biệt là các phần mềm có khả năng quản trị đa kênh. Trong bài viết này, ICTS sẽ giới thiệu top 5 phần mềm quản lý bán hàng đa kênh được đánh giá cao và có mức giá tốt nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay.
1. Sapo:
Sapo là một phần mềm quản lý bán hàng đa kênh được đánh giá hữu ích dành cho các doanh nghiệp triển khai bán hàng trên nhiều nền tảng, đặc biệt là các kênh online.
Các tính năng chính của Sapo bao gồm:
- Quản lý sản phẩm (trực tiếp và từ xa);
- Quản lý đơn hàng;
- Quản lý kho hàng;
- Quản lý khách hàng;
- Tính toán chi phí vận chuyển;
- Hỗ trợ đa kênh bán hàng;
- Quản lý nhân viên;
- Báo cáo tổng quan.
Ưu điểm của Sapo chủ yếu liên quan tới khả năng quản lý đa kênh và giá thành ưu đãi. Theo đó, phần mềm hỗ trợ toàn bộ tính năng quản lý bán hàng online và offline. Trong đó, các kênh bán hàng online phổ biến nhất hiện nay như Facebook, các sàn thương mại điện tử, Tiktok Shop, v.v. đều đã được tích hợp. Về giá thành, so với các phần mềm khác như KiotViet, Sapo được đánh giá có mức phí quản lý “mềm” hơn, chỉ từ 160.000 VNĐ/tháng.
Tuy nhiên, phần mềm cũng nhận được phản hồi tiêu cực liên quan tới giao diện và vận đơn phức tạp. Cụ thể, về phía giao diện, do mức độ đa nhiệm cao và được phát triển dành cho đại chúng nên giao diện ứng dụng tương đối khó thao tác, nhất là đối với các khách hàng sử dụng lần đầu hoặc quản lý doanh số ở phạm vi nhỏ. Về phía vận đơn, Sapo bị người dùng phản ánh về thủ tục nhập liệu cồng kềnh và cước phí vận chuyển cao.
Giá dịch vụ: từ 160.000đ/tháng
2. KiotViet:
KiotViet là phần mềm quản lý bán hàng phổ biến hàng đầu Việt Nam, với ưu thế thiên về quản lý bán hàng offline tại cửa hàng.
Các tính năng chính của KiotViet bao gồm:
- Quản lý bán hàng;
- Kiểm soát tồn kho, báo lãi lỗ trực quan;
- Thiết lập chính sách giá và khuyến mại;
- Hỗ trợ chăm sóc khách hàng.
Về ưu điểm, KiotViet quản trị bán hàng tại đại lý tương đối tốt và có mạng lưới phát triển rộng khắp các tỉnh thành. Điều này xuất phát từ việc KiotViet là một trong những đơn vị phát triển phần mềm quản lý bán hàng đầu tiên tại Việt Nam, khởi đầu từ việc hỗ trợ bán hàng offline nên các tính năng quản trị liên quan tới các cửa hàng khá ổn định, dễ dùng.
Đổi lại, phần mềm bị chỉ trích vì vấn đề chi phí cao và hạn chế về mặt tính năng. Một số hạn chế được người dùng góp ý như không có trạng thái liên quan đến xử lý hóa đơn; không có hệ thống bán tồn âm theo sản phẩm hoặc chi nhánh; không có phần báo cáo tỷ lệ hoàn, hiệu quả bán hàng của các khu vực; v.v.. đều là những tính năng cấp thiết dành cho các đơn vị quản lý bán hàng theo chuỗi, quy mô lớn.
Giá dịch vụ: từ 180.000đ/tháng
3. Haravan:
Haravan là một phần mềm quản lý bán hàng nhắm tới nhóm khách hàng có quy mô kinh doanh vừa và nhỏ.
Các tính năng chính của Haravan được chia nhỏ theo các kênh bán hàng, cụ thể:
- Omnichannel – quản lý bán hàng đa kênh tập trung;
- Harasocial – quản lý bán hàng trên các kênh mạng xã hội;
- Quản lý bán hàng trên sàn thương mại điện tử;
- Hararetail – quản lý bán hàng tại cửa hàng.
Về ưu điểm, Haravan nổi bật với các giải pháp liên quan tới Martech như Google Shopping, Referral Marketing qua URL & Messenger, Social Commerce và Chatbot. Ngoài ra còn có giải pháp AI Advertising là HaraAds – giúp người dùng dễ quảng cáo tự động trên Google & Facebook.
Về nhược điểm, vì phát triển mạnh các giải pháp về bán hàng và martech nên các tính năng thiên về quản lý của Haravan thật sự chưa hoàn thiện. Phần mềm chỉ có 1 loại mô hình sản phẩm, sản phẩm tồn kho không có quản lý giá nhập, không có tính năng quản lý thu chi và báo cáo lãi lỗ tạm tính.
Giá dịch vụ: từ 300.000đ/tháng
4. Nhanh.vn:
Nhanh.vn là phần mềm quản lý bán hàng đa kênh có khả năng quản lý đồng bộ được nhiều nền tảng kinh doanh từ Facebook, Tiktok cho tới các sàn thương mại điện tử.
Các tính năng chính của Nhanh.vn bao gồm:
- Quản lý kho: xuất – nhập kho, cân bằng tồn kho, v.v.;
- Bán hàng: tính tiền, in hóa đơn, tích hợp máy in hóa đơn;
- Quản lý đơn: kết nối hãng vận chuyển, đối soát COD, v.v.;
- Báo cáo: thông qua web hoặc app, có thể quản lý từ xa;
- Cài đặt phân quyền: chia quyền linh hoạt theo cơ cấu linh hoạt.
Ưu điểm lớn nhất của Nhanh.vn nằm ở khả năng tích hợp nhiều sàn kinh doanh và theo dõi trên cùng 1 nền tảng. Do đơn vị này cũng đồng thời phát triển các giải pháp Marketing và giao vận nên khâu đồng bộ với các nền tảng online cũng được đánh giá khá trơn tru, hiệu quả.
Về nhược điểm, thời gian gần đây chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng của Nhanh.vn được đánh giá đi xuống khá nhiều. Ngoài ra, một số người dùng phản ánh rằng tốc độ load của Nhanh.vn chậm, đặc biệt khi quản lý nhiều sản phẩm và đơn hàng.
Giá dịch vụ: từ 150.000đ/01 cửa hàng/tháng
5. POS365:
POS365 là phần mềm quản lý bán hàng được tin dùng rộng rãi trong ngành F&B với số lượng tính năng quản lý tương đối lớn, trải dài từ quản lý đặt – đổi – trả hàng cho tới lập báo cáo.
Một số tính năng chính của POS365 bao gồm:
- Quản lý đặt – đổi – trả hàng;
- Hệ thống cảnh báo tức thời hoạt động kinh doanh;
- Quản lý nhà cung cấp;
- Quản lý nhập hàng – chuyển hàng;
- Quản lý thu/chi;
- Tự động gia hạn trên phần mềm.
Về ưu điểm, POS365 được đánh giá phù hợp về cả giá thành và quy mô với các doanh nghiệp kinh doanh quán ăn, dịch vụ. Giá thành ban đầu của POS365 không quá chênh lệch so với các đơn vị khác nhưng lại có ưu thế khi không tốn chi phí phát sinh trong quá trình vận hành. Về giao diện thì phần mềm được đánh giá dễ sử dụng, thao tác nhanh và có thể liên kết với các loại máy bán hàng khác.
Ngoài những ưu điểm đã nêu trên, POS365 vẫn còn hạn chế trong việc phát triển tính năng bán hàng trực tuyến ngay trên phần mềm. Đây là một nhược điểm đáng lưu ý trong bối cảnh các đơn vị kinh doanh trực tuyến đang ngày càng gia tăng sau đại dịch.
Giá dịch vụ: từ 1.650.000đ/12 tháng
Kết luận
Trên đây là 5 phần mềm quản lý bán hàng online được tin dùng nhất tại Việt Nam hiện nay. Mỗi phần mềm sẽ có những tính năng riêng, phù hợp với quy mô và loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Tuy nhiên, với bản chất là phần mềm có sẵn thì các tính năng của các sản phẩm này đôi khi chưa thực sự đáp ứng đầy đủ và chính xác nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài các phương án dùng phần mềm có sẵn, một số doanh nghiệp đã bắt đầu tính đến phương án tự phát triển phần mềm cho phù hợp với nhu cầu cụ thể và quy trình nội bộ của bản thân doanh nghiệp. Nếu ai còn đang thắc mắc làm sao để làm việc với các bên phát triển phần mềm, ứng dụng một cách hiệu quả và tối ưu về chi phí thì comment bên dưới để ICTS chia sẻ thêm nhé!
0 Comment